Học để điều trị bệnh nhân tốt hơn

BỆNH NHÂN VẪN CÓ THỂ ĐI LẠI SAU CẮT BỎ BÁN CẦU-SỰ KỲ DIỆU CỦA NÃO BỘ

Sau khi sinh ra, Henry bị hàng trăm cơn co giật mỗi ngày cho dù đã được điều trị phối hợp nhiều thuốc chống động kinh liều cao. Cậu bé đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật động kinh từ lúc 3,5 tháng tuổi nhưng không chấm dứt được các cơn động kinh. Đến lúc 3 tuối, Henry được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bán cầu não bên trái. Hiện tại, nụ cười đã nở trên môi của mẹ Henry khi thấy con mình có thể đi lại độc lập, giao tiếp được với iPad và ăn mà không cần ống xông nuôi dưỡng.

Phẫu thuật cắt bỏ nửa bán cầu não được thực hiện đầu tiên vào năm 1920 để điều trị u não ác tính. Nhưng thành công của phương pháp này trong điều trị trẻ bị dị dạng não bộ, động kinh kháng trị hoặc bệnh lý tổn thương nửa bán cầu đã làm nhiều nhà khoa học kinh ngạc. Nghiên cứu cho thấy khoảng 20% bệnh nhi được cắt bỏ nửa bán cầu có thể phát triển và tìm được việc làm có thu nhập khi trở thành người lớn.

Nghiên cứu cho thấy sự tái tổ chức mạng lưới chức năng ở bán cầu não còn lại đã giúp một số cá nhân phục hồi rất tốt sau phẫu thuật cắt bỏ một bán cầu não. Bộ não cực kỳ mềm dẻo (“The brain is remarkably plastic”), nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Dorit Liemann, Viện Công nghệ California cho biết, phần não bộ còn lại có thể bù trừ cho các cấu trúc đã bị cắt bỏ, và trong một số trường hợp, mạng lưới còn lại có thể hỗ trợ được hầu hết các chức năng nhận thức cơ bản của con người.

Khi bệnh nhân đã được cắt bỏ nửa bán cầu não vào phòng chụp phim, họ trông như mọi người trưởng thành bình thường khác, bắt tay và nói chuyện với nhân viên, nhưng đến khi chụp MRI mới biết là bán cầu não của bệnh nhân đã bị cắt bỏ lúc còn nhỏ. Đây là điều khó tin nhưng có thật. BS. Ajay Gupta, bác sỹ nhi thần kinh tại Cleveland Clinic, người đã theo dõi gần 200 trẻ sau phẫu thuật cho biết ngày càng có thêm bằng chứng sự khả biến của não bộ (brain plasticity) là một hiện tượng diễn ra lâu dài. Video dưới đây là phim MRI cắt lớp não của một người trưởng thành có nửa bán cầu đã bị cắt bỏ lúc còn nhỏ để điều trị động kinh.

Gần đây, các nhà khoa học đã đạt sự đồng thuận rằng phẫu thuật cắt bán cầu não nên thực hiện trước khi trẻ lên 4 hoặc 5 tuổi. Thực hiện vào thời điểm đó, trẻ có thể sẽ đạt được các chức năng bình thường khi lớn lên. Sự mềm dẻo của não bộ, còn gọi là khả biến thần kinh (neuroplasticity) rất mạnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy vẫn có thể phẫu thuật cho trẻ em ở độ tuổi lớn hơn, có thể dao động từ 3 tháng đến 11 tuổi. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả phục hồi sau phẫu thuật là trẻ bị động kinh từ khi nào. Phẫu thuật là phương thức cuối cùng được lựa chọn nếu nội khoa thất bại. Nhưng nếu hạn chế được sự kéo dài của các cơn động kinh và tổn thương não bộ do các cơn động kinh gây ra thì bệnh nhân có thể sẽ phục hồi được chức năng tốt hơn sau mổ. Lynn K. Paul, nhà khoa học thần kinh ở Viện công nghệ California cho biết, “bán cầu não bình thường đã thực hiện thêm một số chức năng thay cho bán cầu não bệnh lý ngay cả trước khi bệnh nhân được phẫu thuật. Và nó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này sau khi bán cầu bệnh lý được cắt bỏ. Vì vậy những gì chúng ta thật sự muốn là bảo vệ bán cầu não đang làm việc”. Như vậy, việc phẫu thuật sớm đối với trẻ bị động kinh kháng trị là điều nên xem xét.

Một cuộc phẫu thuật kéo dài 8 tiếng tất nhiên là có nguy cơ biến chứng, đau đầu kéo dài và não úng thủy sau mổ có thể xảy ra. Tất cả tổ chức não bệnh lý phải được lấy bỏ hết, một tổ chức não bệnh lý còn sót lại vẫn có thể gây ra động kinh và làm tổn thương bán cầu não lành. Sau mổ, trẻ sẽ yếu tay chân bên đối diện bán cầu bị cắt bỏ, mắt bị mất nửa thị trường, trẻ có thể mất khả năng nhận biết âm thanh phát ra từ hướng nào. Có một số chức năng cần một quá trình phục hồi chức năng và học tập tích cực như đọc, viết và làm toán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những khả năng này trước đó đã bị suy giảm do bệnh lý mà trẻ mắc phải (tức là bệnh lý gây ra động kinh).

BS. Trương Văn Trí lược dịch

Nguồn: How the Brain Can Rewire Itself After Half of It Is Removed.

The New York Times

https://www.nytimes.com/2019/11/19/health/brain-removal-hemispherectomies-scans.html?fbclid=IwAR11fB0QOygenmlLrFn8Ald4Ct3GUpuB_2tdWqJf0n_qw5PuNJyPBQ73sJA

Leave a Comment

(0 Comments)

Your email address will not be published. Required fields are marked *