‘THỜI GIAN LÀ CỘT SỐNG’: BẰNG CHỨNG VỀ LỢI ÍCH CỦA PHẪU THUẬT GIẢI ÉP SỚM TRONG CHẤN THƯƠNG TỦY SỐNG CẤP
Thời điểm phẫu thuật giải ép trong chấn thương tủy sống cấp tính (SCI) là chủ đề gây tranh luận trong thời gian dài. Mặc dù có cơ sở về mặt sinh học ủng hộ mạnh mẽ cho việc phẫu thuật giải ép sớm, nhưng vẫn có rất ít bằng chứng chất lượng cao để chứng minh lợi ích của phương pháp này trên lâm sàng. Do đó có rất nhiều khác nhau trong việc phẫu thuật điều trị chấn thương tủy sống trên khắp thế giới và chúng dựa vào các hướng dẫn (guidelines) được xây dựng từ các bằng chứng lâm sàng yếu.
Người ta cho rằng mổ giải áp cấp cứu sẽ giúp khôi phục lưu lượng máu và cải thiện tưới máu, và có thể làm giảm quá trình chấn thương thứ phát. Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu thừa nhận rằng phẫu thuật giải áp sớm là một lựa chọn điều trị an toàn và hợp lý, nhưng các nghiên cứu lâm sàng đó chỉ đem lại kết quả mang tính gợi ý do dữ liệu có chất lượng thấp (phát sinh từ cỡ mẫu nhỏ, phân tích hồi cứu và các phương pháp và báo cáo kết quả không nhất quán). Liên quan đến kết quả lâm sàng trong SCI, các nghiên cứu khác gần đây lại chỉ ra rằng các yếu tố khác như chiều dài tổn thương trong tủy có thể quan trọng hơn thời điểm phẫu thuật.
Nhằm khắc phục những điểm còn chưa sáng tỏ về thời điểm phẫu thuật giải ép trong SCI, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một phân tích tổng hợp trên 1548 bệnh nhân bị SCI từ năm 1991 đến năm 2017. Dữ liệu được lấy từ 4 cơ sở dữ liệu SCI cấp tính được thu thập đa trung tâm, tiến cứu, và có chất lượng cao. Chúng chứa dữ liệu chi tiết chất lượng cao nhất, bao gồm cả thời gian từ khi bị chấn thương đến khi phẫu thuật. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 39,1 tuổi, với 528 bệnh nhân được phẫu thuật giải áp sớm trong vòng 24 giờ và 1020 bệnh nhân còn lại được phẫu thuật muộn hơn.
Nghiên cứu này đưa ra 4 phát hiện chính:
1.Thứ nhất, và có khả năng là phát hiện quan trọng nhất, phẫu thuật giải áp trong vòng 24 giờ sau SCI cấp đem đến khả năng hồi phục vận động thần kinh cơ sau 1 năm tốt hơn so với những bệnh nhân phẫu thuật sau 24 giờ. Những bệnh nhân được phẫu thuật giải áp sớm đã cải thiện nhiều hơn về điểm số vận động trung bình (4,0 điểm [95% CI 1,7–6,3]; p = 0,0006), điểm cảm giác sờ (light touch scores) (4,3 điểm [1,6–7,0]; p = 0,0021) và điểm cảm giác kim châm (pin prick score) (4,0 điểm [1,5–6,6]; p = 0,0020). Hơn nữa, những bệnh nhân được phẫu thuật sớm cũng có thang điểm ASIA Impairment Scale (AIS) tốt hơn ở thời điểm 1 năm sau phẫu thuật.
2.Trong 24–36 giờ đầu tiên sau SCI, có sự giảm sút rất rõ về khả năng hồi phục vận động khi phẫu thuật giải áp chậm trễ.
3.Sau 24–36 giờ đầu tiên sau chấn thương, phục hồi vận động và hiệu quả của việc mổ giải áp sớm sẽ mất đi.
4.Trong SCI cổ, khi mổ giải ép sớm, sự cải thiện về vận động chi trên ở tại hoặc ngay dưới mức chấn thương tủy sống tốt hơn hơn ở chi dưới.
Nghiên cứu này có bằng chứng mạnh mẽ, từ góc độ thực tế chỉ ra rằng lý tưởng nhất là tất cả bệnh nhân SCI cấp tính có chỉ định phẫu thuật thì nên tiến hành thủ thuật này trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ thời điểm bị thương.
- Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: Ramakonar, H., Fehlings, M.G. ‘Time is Spine’: new evidence supports decompression within 24 h for acute spinal cord injury. Spinal Cord (2021). https://doi.org/10.1038/s41393-021-00654-0
Leave a Comment
(0 Comments)