ĐẠI CƯƠNG ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG BỆNH NHÂN U NÃO
Biểu hiện phổ biến nhất của u não là khiếm khuyết thần kinh tiến triển (68%), thường là yếu liệt (45%). Đau đầu biểu hiện trong 54% trường hợp, và động kinh 26%. Tùy theo vị trí u, các biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau.
1.U trên lều
Các biểu hiện lâm sàng bao gồm:
1.1.Các biểu hiện do tăng áp lực nội sọ:
- Do hiệu ứng choáng chổ của u và/ hoặc phù não
- Do tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy (não úng thủy): ít xảy ra với u trên lều (có thể gặp trong nang keo não thất bên)
1.2.Dấu thần kinh khu trú tiến triển: gồm yếu liệt, thất ngôn (gặp trong 37-58% bệnh nhân u não bên trái)
- Do u não xâm lấn phá hủy nhu mô não
- Do nhu mô não bị chèn ép bởi khối choáng chỗ và/hoặc phù quanh u và/hoặc xuất huyết
- Do chèn ép các dây thần kinh sọ
1.3.Đau đầu: xem thêm ở dưới
1.4.Động kinh:
Triệu chứng đầu tiên của u não nhưng không thường xuyên. U não nên được nghĩ tới ở bệnh nhân >20 tuổi khởi phát động kinh vô căn lần đầu (nếu âm tính, bệnh nhân nên được theo dõi tiếp với xét nghiệm lại vào những ngày sau). Hiếm gặp với u hố sau hoặc u tuyến yên.
1.5.Thay đổi trạng thái tâm thần: trầm cảm, lơ mơ, mệt mỏi, lú lẫn…
1.6.Các triệu chứng gợi ý tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc đột quỵ, có thể do:
- Tắc mạch do tế bào u
- Xuất huyết trong u: bất kỳ u não cũng có thể xuất huyết
- Động kinh cục bộ
1.7.Các trường hợp đặc biệt của u tuyến yên
- Các triệu chứng do mất cân bằng nội tiết
- Xuất huyết trong tuyến yên (pituitary apoplexy)
- Dò dịch não tủy
2.U dưới lều
Động kinh thường hiếm gặp (không giống như u trên lều, các cơn động kinh xuất phát do kích thích võ não)
2.1.Hầu hết u hố sau biểu hiện với các dấu hiệu và triệu chứng của tăng áp lực nội sọ do não úng thủy. Bao gồm:
- Đau dầu
- Buồn nôn/nôn mửa: do tăng áp lực nội sọ do não úng thủy, hoặc do chèn ép trực tiếp lên nhân thần kinh lang thang hoặc vùng postrema (trung tâm nôn)
- Phù gai thị: gặp khoảng 50-90% (hay gặp khi u gây rối loạn tuần hoàn dịch não tủy)
- Bất thường dáng đi
- Chóng mặt
- Song thị: có thể do liệt dây VI, gặp khi tăng áp lực nội sọ không có chèn ép trực tiếp lên thần kinh sọ
2.2.Triệu chứng chỉ điểm hiệu ứng choáng chổ ở hố sau
- Tổn thương trong bán cấu tiểu não có thể gây: mất phối hợp động tác, run chủ ý
- Tổn thương thùy nhộng tiểu não có thể gây: thất điều thân, đi loạng choạng
- Tổn thương ở thân não thường gây bất thường nhiều dây thần kinh sọ và bất thường các giải dài, và thường nghi ngờ có tổn thương thân não khi có rung giật nhãn cầu (nystagmus).
2.3. Dấu thần kinh khu trú đi kèm với u não
Ngoài các triệu chứng lâm sàng không khu trú (động kinh, tăng áp lực nội sọ …), các u nãocó thể gây các kiếm khuyết thần kinh tiến triển liên quan đến các chức năng của vùng não bị thương tổn. Một số hội chứng đặc trưng:
- Thùy trán: mất ý chí, sa sút trí tuệ, thay đổi tính cách. Mất phối hợp động tác, liệt nửa người hoặc thất ngôn (thương tổn ở bán cầu não ưu thế) có thể xuất hiện
- Thùy thái dương: Ảo khứu hoặc ảo thính, déja vu, rối loạn trí nhớ. Khuyết thị trường ¼ trên đối bên có thể phát hiện khi khám thị trường
- Thùy đỉnh: rối loạn vận động hoặc cảm giác đối bên, bán manh đồng danh. Chứng mất nhận thức (khi tổn thương ở bán cầu não ưu thế) và chứng mất phối hợp động tác.
- Thùy chẩm: Khiếm khuyết thị trường đối bên, không đọc được.
- Hố sau: Tổn thương dây thần kinh sọ, thất điều.
3.Đau đầu do u não
Đau đầu có thể xuất hiện kèm hoặc không kèm tăng ALNS. Thường được mô tả là cơn đau tăng lên vào buổi sáng (có thể do giảm thông khí trong khi ngủ), thường tăng lên khi ho, gắng sức hoặc khi uốn người về phía trước. Đi kèm với buồn nôn và nôn mửa trong 40%, có thể giảm tạm thời khi nôn (do tăng thông khí khi nôn). Những đặc điểm này cùng với 1 dấu hiệu khiếm khuyết thần kinh khu trú hoặc động kinh thường hướng đến đau đầu do u não. Tuy nhiên, đau đầu trong 77% bệnh nhân u não giống như đau đầu tăng áp, và ở 9% là giống migraine. Chỉ 8% có đau đầu kinh điển do u, 2/3 bệnh nhân này có tăng ALNS.
Bệnh nguyên của đau đầu do u: bản thân não bộ không nhận cảm đau, đau đầu trong u não có thể do kết hợp bất kỳ các lý do sau:
3.1.Tăng áp lực nội sọ: có thể do
- U não choáng chỗ
- Não úng thủy (tắc nghẽn hoặc thông)
- Choáng chỗ do phù
- Choáng chỗ do xuất huyết
3.2.Xâm lấn hoặc chèn ép các cấu trúc nhận cảm đau:
- Màng cứng
- Mạch máu
- Màng xương
3.3.Do khó nhìn
3.3.1.Song thị do rối loạn thần kinh chi phối cơ vận nhãn
- Chèn trực tiếp dây III, IV hoặc VI
- Liệt dây VI do tăng ALNS
- Liệt nhân vận nhãn do chèn ép/ xâm lấn thân não
3.3.2.Khó tập trung: hậu quả của rối loạn thần kinh thị do chèn ép/ xâm lấn
3.4. Tăng huyết áp nặng do tăng áp lực nội sọ (tam chứng Cushing)
3.5. Do tâm lý: stress vì mất các khả năng trong cuộc sống (ví dụ giảm dần khả năng làm việc).
BS. Trương Văn Trí biên dịch.
Nguồn: M. S. Greenberg, Handbook of Neurosurgery, 2016.
Mọi góp ý về bản dịch xin gởi đến email: drtruongtri@gmail.com. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!