CAN THIỆP NỘI MẠCH ĐIỀU TRỊ ĐỘT QUỴ DO TẮC ĐỘNG MẠCH THÂN NỀN
Tỷ lệ tắc động mạch thân nền trong đột quỵ do tắc đầu gần động mạch não lớn (proximal large-vessel occlusion) là bao nhiêu?
Tắc động mạch thân nền chiếm khoảng 10% các trường hợp đột quỵ thiếu máu cục bộ do tắc đầu gần các mạch máu lớn nội sọ, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.
Rất ít bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền được đưa vào các nghiên cứu lớn về can thiệp nội mạch (các nghiên cứu này chủ yếu bao gồm bệnh nhân bị đột quỵ ở vòng tuần hoàn não trước). Đặc điểm giải phẫu, biểu hiện lâm sàng và mức độ nghiêm trọng khiếm khuyết thần kinh ở bệnh nhân tắc động mạch thân nền khác với bệnh nhân tắc động mạch ở tuần hoàn trước. Những khác biệt này cho thấy rằng các nghiên cứu về can thiệp nội mạch nên được tiến hành độc lập ở những bệnh nhân bị đột quỵ ở vùng động mạch thân nền.
Nghiên cứu được tiến hành như thế nào?
Langezaal và cộng sự. đã tiến hành một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên trên những bệnh nhân bị đột quỵ do tắc động mạch thân nền. Nhóm nghiên cứu so sánh hiệu quả và độ an toàn của liệu pháp can thiệp nội mạch được bắt đầu trong vòng 6 giờ sau khi tắc động mạch nền với liệu pháp nội khoa (làm tan huyết khối bằng thuốc truyền tĩnh mạch).
Từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 12 năm 2019, có tổng số 154 bệnh nhân được phân bổ ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp nội mạch và 146 bệnh nhân được phân bổ ngẫu nhiên vào nhóm điều trị nội khoa.
Kết quả chính của thử nghiệm (primary outcome) là chức năng của bệnh nhân sau điều trị đạt thuận lợi, được định nghĩa là điểm từ 0 đến 3 trên thang điểm Rankin đã sửa đổi (phạm vi thang điểm: 0 [không có triệu chứng] đến 6 [tử vong]) vào ngày thứ 90. Kết quả thử nghiệm cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kết quả chính giữa nhóm bệnh nhân tắc động mạch thân nền được điều trị can thiệp nội mạch trong vòng 6 giờ sau khi đột quỵ và những bệnh nhân được điều trị nội khoa. Trong phân tích ý định điều trị (intention-to-treat analysis), 68 trong số 154 bệnh nhân (44,2%) ở nhóm điều trị can thiệp nội mạch có kết quả chức năng thuận lợi, so với 55 trên 146 bệnh nhân (37,7%) ở nhóm điều trị nội khoa (tỷ lệ nguy cơ (risk ratio), 1,18; khoảng tin cậy (Confidence Interval) 95%, 0,92-1,50; p = 0,19). Thử nghiệm không cho thấy ưu thế của liệu pháp can thiệp nội mạch so với liệu pháp nội khoa. Tuy nhiên, do khoảng tin cậy rộng đối với kết quả chính của thử nghiệm, kết quả của nghiên cứu này có thể không loại trừ được lợi ích đáng kể của liệu pháp can thiệp nội mạch, và những phát hiện của nghiên cứu này có thể không đưa đến được kết luận cuối cùng: giữa can thiệp nội mạch và nội khoa, phương pháp nào hiệu quả hơn trong đột quỵ do tắc động mạch thân nền? Cần có những thử nghiệm lớn hơn để xác định hiệu quả và độ an toàn của liệu pháp can thiệp nội mạch đối với tắc động mạch thân nền.
Kết quả về các mức độ an toàn của các phương pháp điều trị trong thử nghiệm của Langezaal và cộng sự là gì?
Kết quả an toàn chính (primary safety outcome) bao gồm xuất huyết nội sọ có triệu chứng được phát hiện trên phim trong vòng 3 ngày sau khi bắt đầu điều trị và tử vong ở ngày thứ 90. Tỷ lệ tử vong ở ngày thứ 90 là 38,3% ở nhóm can thiệp nội mạch và 43,2% ở nhóm điều trị nội khoa (tỷ lệ nguy cơ, 0,87; khoảng tin cậy 95%, 0,68-1,12; p = 0,29), khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm. Nguy cơ xuất huyết nội sọ có triệu chứng trong vòng 3 ngày sau khi bắt đầu điều trị là 4,5% ở nhóm can thiệp nội mạch, và 0,7% ở nhóm điều trị nội khoa (risk ration, 6,9; khoảng tin cậy 95%, 0,9 đến 53,0; p = 0,06), khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
BS. Trương Văn Trí lược dịch
Nguồn: Langezaal et al. Endovascular Therapy for Stroke Due to Basilar-Artery Occlusion. N Engl J Med 2021; 384:1910-1920
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2030297?query=RES
Leave a Comment
(0 Comments)